Giáo dục STEM – Nguồn nhân lực cho thời đại công nghệ 4.0
Giáo dục STEM giải pháp để chuẩn bị nguồn nhân lực cho thời đại công nghệ 4.0. Giáo dục STEM được công nhận rộng rãi trên thế giới là hướng đi đúng đắn cho vấn đề này. STEM là viết tắt của 4 từ Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering) và Toán học (Mathematics).
Nguồn nhân lực với kiến thức và kỹ năng trong các lĩnh vực STEM đang ngày càng trở thành yêu cầu cơ bản và thiết yếu của các quốc gia trong thế kỷ 21, và là chìa khóa để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và hướng đến sự thịnh vượng. Với mô hình giáo dục STEM, các kiến thức và kỹ năng trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học được truyền đạt đan xen và kết dính lẫn nhau cho học sinh trên cơ sở học thông qua thực hành và hướng đến giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Ngoài ra, Giáo dục STEM còn chú trọng trang bị cho học sinh những kỹ năng mềm cần thiết cho sự thành công trong công việc sau này như kỹ năng cộng tác, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo, tư duy phản biện… Tại sao lại chọn Giáo dục STEM – Một xu thế không thể đảo ngược.
Theo nghiên cứu của Hội đồng Quốc gia về Tài nguyên Hoa Kỳ, đến năm 2030, máy tính sẽ thay thế con người trong khoảng 60% công việc. Vì thế các quốc gia nào cần chuẩn bị lực lượng lao động cho sự thay đổi này. Người lao động sẽ sớm phải đối mặt với 2 lựa chọn: Một là bị thay thế bởi máy tính và robot. Hai là phải hiểu để có thể điều khiển và làm việc cùng với máy tính và robot.
Giáo dục STEM – Tầm ảnh hưởng tới nguồn nhân lực cho thời đại công nghệ 4.0
Cũng theo thống kê này, tại Hoa Kỳ hiện lao động STEM có vai trò chi phối, Chỉ có 4% người lao động là nhà khoa học và kỹ sư, họ đã tạo ra việc làm cho 96% số lao động còn lại và cả 10 công việc được trả lương cao nhất đều trong các lĩnh vực STEM, 8 các công việc có độ tăng trưởng cao nhất cũng là ở trong lĩnh vực STEM. Trong đó gần 3/4 công việc STEM thuộc về lĩnh vực công nghệ thông tin.
Trên cơ sở đó, việc chọn triển khai phương pháp Giáo dục STEM với các môn học trên nền tảng công nghệ thông tin như: Khoa học máy tính, Robotics, Khoa học dữ liệu, Internet vạn vật là hướng đi cần thiết và phù hợp. Từ năm 2011 đến nay, mặc dù thời gian triển khai Chương trình Giáo dục STEM tại Việt Nam chưa nhiều, tuy nhiên đã có những bước phát triển ban đầu hết sức khả quan với trên hàng trăm ngàn lượt học sinh theo học tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh.
Ví dụ với Chương trình STEM-Robotics, các học sinh đã thể hiện và phát huy tốt năng lực của mình thông qua công cụ robot, phần mềm mô phỏng các hệ thống điều khiển thông minh, từ đó hình thành cho các em khả năng tư duy sáng tạo và tự tin để tiến đến những bước sáng tạo cao hơn sau này với những mô hình robot công nghiệp áp dụng những nguyên lý vận hành tương tự.
Với nền tảng tự học và học thông qua hành, học sinh có cơ hội khai thác tối đa khả năng năng lực sáng tạo và tính linh hoạt của nền tảng mở để tương lai có thể phát triển những sản phẩm hữu ích cho cuộc sống hằng ngày như các thiết bị điều khiển hệ thống điện trong gia đình, hệ thống nhận dạng, hệ thống giám sát và cảnh báo, v.v.
Rõ ràng với các học sinh phổ thông, việc theo học các môn học STEM và theo phương pháp Giáo dục STEM còn có ảnh hưởng tích cực tới khả năng lựa chọn nghề nghiệp tương lai của các em sau này. Với việc tiếp thu kiến thức một cách tích hợp và sang tạo, học sinh sẽ yêu thích và thể hiện niềm đam mê đối với môn học, từ đó sẽ khuyến khích các em có định hướng tốt hơn khi chọn chuyên ngành cho các bậc học cao hơn và sự chắc chắn cho cả sự nghiệp sau này của các em.