Giáo dục STEM/ Giáo dục STEAM và hơn thế
Vào năm 2008, tại một hội nghị khoa học về giáo dục công nghệ tại thành phố Salt Lake, Utah, Mỹ, cô Georgette Yakman đến từ Học viện Kỹ thuật Virginia (Virginia Tech) đã có một bài báo với đề xuất mô hình giáo dục mới với sự kết hợp yếu tố nghệ thuật (Art) vào trong giáo dục STEM và gọi đó là giáo dục STEAM = STEM + Art, với một cách viết cách điệu là [email protected] Báo cáo của cô sau đó thu hút giới học thuật quan tâm và tranh luận. Mặc dù, vẫn còn nhiều tranh cãi về cách định nghĩa, làm rõ khái niệm nghệ thuật và cũng như cách tích hợp nghệ thuật như thế nào vào trong giáo dục STEM, nhưng rõ ràng cách tiếp cận mới mẻ này đã đem một luồng gió mới vào phong trào giáo dục STEM đang diễn ra mạnh mẽ trong thời gian đó tại Mỹ. Cô Yakman sau đó đã thành lập một tổ chức giáo dục STEAM (steamedu.com) có trụ sở đặt tại bang Virginia và trở thành CEO, để giúp hỗ trợ các giáo viên trong việc tích hợp yếu tố “Art” vào trong giáo dục STEM.
Theo mô hình STEAM của cô Yakman, yếu tố nghệ thuật là bao gồm không giới hạn các nghệ thuật khai phóng (liberal arts), từ nghệ thuật ngôn ngữ, nghiên cứu xã hội học, nghệ thuật về thể chất, mỹ thuật và âm nhạc, hay thậm chí cả triết học,… Và nếu hiểu chính xác nhất về từ “Art” trong định nghĩa của người khai sinh ra nó thì nghĩa Việt Nam của chúng ta phải là “Nhân văn” thì mới bao quát được toàn bộ ý tưởng của chữ “A” trong giáo dục STEAM. Mô hình giáo dục STEAM đã nhanh chóng lan rộng đến nhiều quốc gia, chẳng hạn như Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (MEST) đã xây dựng kế hoạch tổng thể để đưa giáo dục STEAM thành một khung chương trình đào tạo dành cho học sinh phổ thông từ năm 2010. Ý tưởng giáo dục STEAM được đông đảo các giáo viên, đặc biệt là các giáo viên cấp mẫu giáo và tiểu học ủng hộ, vì quá trình tích hợp trong dạy học ở các bậc học thấp là khá dễ dàng. Tuy nhiên, đối với các bậc học cao hơn, các giáo viên đều cho biết rằng họ cảm thấy lúng túng khi xây dựng chương trình về các chủ đề và các bài học về giáo dục STEAM.

Thực ra cách tiếp cận STEAM không phải là quá mới mẻ, từ những năm thế kỷ 19, các nhà phát minh sáng chế như Thomas Edison đã nhận thấy sự liên quan và vận dụng tích hợp nhiều kiến thức để cùng giải quyết một vấn đề. Các phát minh của Edition không chỉ dựa trên nguyên lý của khoa học mà ông còn rất chú ý đến cấu trúc và kiểu dáng để có thể sản xuất dễ dàng. Tuy nhiên yếu tố nghệ thuật và thẩm mỹ trong thiết kế khi ấy chưa được chú trọng và hỗ trợ bởi công nghệ. Ngày nay đơn cử chỉ là chiếc điện thoại thông minh mà mỗi chúng ta sử dụng thì dễ dàng nhận thấy đó là sự kết hợp của rất nhiều kiến thức từ rất nhiều lĩnh vực để tạo nên nó, trong đó yếu tố thẩm mí và bố trí là rất quan trọng. Trong khi thực tế khoa học và công nghệ phát triển ngày này, việc đưa một ý tưởng thành một sản phẩm hoàn thiện chỉ tính theo ngày hoặc giờ. Công nghệ in 3D đã biến giấc mơ “Ai cũng có thể tự thiết kế sản phẩm” và có thể sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh theo ý muốn thành hiện thực.
Vào năm 2014, tiến sĩ Rob Furman từng là hiệu trưởng của một trường tiểu học tại Pennsylvania Mỹ, đã viết một tranh luận trên báo Huffingpost nói rằng: Giáo dục STEAM sẽ là thiếu sót lớn cho thế hệ tương lai nếu bỏ qua rèn luyện khả năng đọc hiểu và viết cho học sinh. Ông cũng dựa vào mô hình giáo dục tích hợp STEAM của Yakman nhưng đề nghị bổ sung thêm chữ R (Reading) và viết (wRiting) trong tiếng Anh, để trở thành chữ viết tắt là STREAM. Như vậy công thức mới bây giờ sẽ là : STREAM = STEM + Art + [reading + writing]. Ông chứng minh rằng, dù cho khoa học hay công nghệ phát triển đến đâu, con người cũng vẫn cần kỹ năng đọc và viết. Đọc giúp chúng ta tiếp cận được các thông tin. Viết giúp chúng ta truyền tải thông tin và cũng là một cách tư duy có hệ thống về những gì chúng ta tiếp thu và tự học được. Đồng ý với quan điểm này, nhà vật lý William D.Phillips, người đoạt giải Nobel năm 1997 cũng từng nói một ý tưởng tương tự như thế, rằng: “Tôi cảm thấy mình được hưởng lợi từ các lớp toán và khoa học được giảng dạy tốt, nhưng nhìn lại, tôi có thể thấy rằng các lớp học tập trung kỹ năng ngôn ngữ và viết cũng quan trọng đối với sự phát triển sự nghiệp khoa học của tôi như khoa học và toán học. Tôi chắc chắn rằng sự tham gia của tôi trong các cuộc tranh luận khi tôi còn học trung học đã giúp tôi sau này trao đổi tốt hơn về khoa học, và nhờ các lớp học ưu tiên viết đã giúp tôi viết những bài viết hay hơn.” Điều đó cho thấy ngay cả những người rất giỏi chuyên môn về các lĩnh vực khoa học cũng cảm thấy rất cần có những kỹ năng cơ bản về đọc và viết để truyền tải thông tin hiệu quả.